https://marketingai.vn/streamer-la-gi-8-cach-kiem-boi-tien-tu-nghe-streamer-194102941.htm
Streamer là gì? Những năm trở lại đây, xu hướng streaming ngày càng thu hút sự chú ý của giới trẻ. Chỉ với một chiếc smartphone nhỏ gọn thôi là bạn đã có thể vừa chơi game, vừa nói chuyện, giao lưu với những người làm stream, hay còn gọi là Streamer, cùng nhiều người chơi khác một cách dễ dàng.
Theo công bố của Appota, năm vừa qua, người Việt nằm trong top đầu thế giới về khả năng tiêu thụ nội dung số, đặc biệt là xem stream – trò chơi điện tử. Theo đó thì người Việt dành trung bình hơn 400.000 giờ mỗi ngày để xem stream – trò chơi điện tử và 61% trong số đó là đến từ các thiết bị di động. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn không hề nhỏ của loại hình nội dung số này trong việc giải trí hằng ngày của nhiều người Việt. Đồng nghĩa với việc, tầm ảnh hưởng của các video stream, hay các Streamer lên cộng đồng là rất lớn. Vậy, Streamer là gì mà tạo ra ảnh hưởng lớn tới vậy, và họ kiếm tiền như thế nào – có “dễ dàng” như nhiều người đồn đoán hay không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây của MarketingAI nhé!
Streamer là gì?
Theo Merriam-Webster (một công ty Mỹ chuyên xuất bản sách tham khảo, đặc biệt nổi tiếng với các bộ từ điển), định nghĩa streaming là “hành động, quy trình hoặc một phiên bản của dữ liệu phát trực tiếp; hoặc việc truy cập vào các dữ liệu đang được phát trực tiếp”. Nói cách khác, streaming là việc bạn kết nối Internet trên điện thoại, máy tính, máy chơi game console,… để truy cập tức thì vào các dịch vụ trực tuyến mà không cần chờ tải xuống.
Giống như việc bạn xem các bộ phim truyền hình dài tập trên Netflix, xem video nấu ăn trên Facebook, hay nghe album mới nhất của Taylor Swift trên Spotify,… chẳng hạn.
Như vậy, Streamer là người trực tiếp cung cấp dịch vụ phát trực tuyến đó cho người xem. Họ thực hiện một hành động, quay lại và phát sóng nó trực tiếp trên Internet để người dùng có thể thưởng thức ngay và tham gia tương tác cùng với họ.
Stream trò chơi điện tử là hình thức streaming phổ biến nhất hiện nay. Các Streamer và khán giả giao lưu với nhau qua các nền tảng phát trực tuyến như Twitch, YouTube, Facebook, Mixer,… Có thể nói, Streamer chính là nhân tố làm nên sức hút cho các video stream này. Ngoài việc bình luận, đánh giá về các tựa game, thì những câu chuyện đời sống bên lề qua cách thể hiện duyên dáng, hài hước của các Streamer cũng giúp cho người xem có những giây phút giải trí vô cùng thú vị.
Trên thực tế thì Streamer không phải nghề nhanh chóng có được sự thành công đến vậy. Hiện nay, có không ít những Streamer trên khắp thế giới đang phải dành ra cả ngày để làm việc và kiếm tiền nhưng họ vẫn cảm thấy vui vẻ khi chứng kiến cộng đồng ngày một phát triển và thu hút hàng triệu fans hâm mộ cuồng nhiệt. Đó gần như là câu chuyện không tưởng, ít nhất là đối với thị trường Việt Nam, nếu như quay lại cách đây 10 năm. Khi ấy, Việt Nam vẫn còn là một chấm nhỏ bé trên thị trường Streamer toàn cầu, và những Streamer đời đầu như PewPew vẫn còn chẳng được mấy ai biết đến.
Nhưng với sự phát triển trong tính năng streaming mỗi năm như hiện nay, ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường này và tạo ra sức cạnh tranh lớn giữa mọi tầng lớp trong xã hội, gây dựng tiền đề mạnh mẽ cho nghề Streamer ngày một nở rộ trong tương lai.
Streamer kiếm tiền như thế nào?
Bắt đầu du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 10 năm, nghề Streamer bắt đầu nở rộ vào những năm 2017-2018 và nhanh chóng trở thành một trào lưu, một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Streamer được biết đến như một nghề “hái ra tiền” khi đem lại nguồn thu nhập khủng và sự nổi tiếng mà không phải influencers nào cũng có được. Điều này phần nào nhờ lượng fans hùng hậu, sẵn sàng ủng hộ – “donate” Streamer ở nhiều mặt trận khác nhau.
Dưới đây là những cách mà các Streamer có thể kiếm tiền và coi đó như một công việc chân chính:
1. Nhận tiền donate hoặc tips từ fans
Hầu hết các trang web và nền tảng phát trực tiếp đều cho phép các Streamer kiếm tiền từ việc stream, bằng cách để người xem donate hoặc tips cho bạn một khoản tiền bất kỳ. Các nền tảng này thường có các dịch vụ tích hợp, hoặc thậm chí là “hàng hóa ảo” (virtual goods), “tiền” (currency) của riêng họ mà người xem có thể sử dụng cho các giao dịch.
>>> Có thể bạn quan tâm: Donate là gì?
Dưới đây là bảng phân tích về những dịch vụ mà một số nền tảng chính sử dụng:
- Dịch vụ tips chính của YouTube là Super Chat. Người xem có thể sử dụng các mẹo để ghim tin nhắn của người xem trong cửa sổ trò chuyện của kênh để dễ nhìn thấy hơn. YouTube cũng cho phép người dùng mua bộ “hoạt ảnh trò chuyện – art animation” có tên là Super Stickers, và bạn sẽ được giảm giá mỗi lần mua.
- Twitch cho phép người xem “cổ vũ” các Streamer bằng cách sử dụng Bits – một công cụ ảo của nền tảng. Nếu bạn là chi nhánh hoặc đối tác của Twitch, bạn sẽ nhận được khoảng 0,01 USD cho mỗi Bit người xem bỏ ra khi cổ vũ. Người xem có thể viết một tin nhắn kèm một biểu tượng cảm xúc đặc biệt, còn gọi là Cheemote.
- Dịch vụ kiếm tiền của Facebook xoay quanh việc người xem có thể tặng Sao (Stars) cho các Streamer. Người dùng sẽ mua sao và tặng cho các Streamer, theo đó, mỗi sao nhận được, Streamer sẽ nhận được khoản tiền là 0,01 USD. Bạn cần phải tham gia chương trình Nâng cấp của Facebook để bật chế độ Sao. Theo đó, để mua 95 sao người dùng phải trả 45.000 đồng (1,99USD), 250 sao với giá 109.000 đồng (4,99USD), 530 sao với 219.000 đồng (9,99USD) và hơn 2 triệu đồng (99,99USD) cho 6.400 sao. Bảng giá sao này được Facebook áp dụng rộng rãi và không phân biệt khu vực địa lý.
- Mixer có một hệ thống mà người xem tích lũy Sparks thông qua việc xem các stream và sử dụng Sparks đó cho phần Kỹ năng – mua các hoạt ảnh (animations) và ảnh gif từ Streamer. Khi Streamer nhận được đủ một lượng Sparks nhất định, thì nó sẽ được quy ra tiền mặt. Người xem cũng có thể mua Embers và đổi chúng để lấy các Kỹ năng ấn tượng hơn, giúp Streamer nhận được khoản tiền lớn hơn. (Tuy nhiên, kể từ ngày 22/7/2020, Microsoft đã tuyên bố sáp nhập Mixer Gaming vào Facebook Gaming)
Nếu bạn là người thích và hay xem stream thì có thể để ý thấy rằng, mỗi khi nhận được tiền donate, các Streamer sẽ thường xuyên gửi lời cảm ơn + đọc tên người donate. Đó như là một cách thể hiện sự cảm ơn sâu sắc từ các Streamer. Với những khoản donate khủng, các Streamer còn cắt hẳn một clip riêng đăng lên Youtube để cảm ơn và cũng là đánh dấu dấu mốc quan trọng, tạo động lực cho họ làm nghề tốt hơn.
2. Kiếm tiền từ những người xem thường xuyên trên nền tảng
Đây là một hình thức kiếm tiền online khá phổ biến trên thế giới. Thông thường các nền tảng như Youtube, Twitch, Facebook, Mixer,… đều cung cấp cho người xem các gói đăng ký kênh miễn phí. Nhưng ngoài gói miễn phí đó ra, họ cũng xây dựng các chương trình dành cho các khách hàng thường xuyên, nơi người dùng được hưởng những quyền lợi đặc biệt từ Streamer/ Youtuber/… mà mình theo dõi.
Thông thường, người dùng sẽ phải trả cho các Streamer này khoảng 1 vài đô la/tháng để đăng ký tham gia chương trình này. Nghe thì có vẻ không nhiều nhưng nếu được nhận đủ, thì nó chắc chắn không phải là một khoản nhỏ đối với các Streamer.
Tuy nhiên, để có thể bật kênh kiếm tiền này, các kênh của Streamer cũng phải đạt được những yêu cầu nhất định, vì các nền tảng vẫn luôn muốn đảm bảo quyền lợi xác đáng cho người xem chung của họ.
Dưới đây là cách mà các nền tảng triển khai chương trình này:
- YouTube xây dựng chương trình thành viên kênh (Channel Membership Program) cho phép người dùng đăng ký tham gia kênh với một khoản phí hàng tháng là 4,99$. Streamer nào muốn bật kênh kiếm tiền này phải tham gia Chương trình Đối tác YouTube và đáp ứng các yêu cầu bổ sung như có 100.000 người đăng ký kênh trở lên, trên 18 tuổi,…
- Twitch có chương trình đăng ký trả phí (Paid Subscription Program) cho phép các Streamer kiếm tiền từ những người đăng ký trả phí nếu Streamer là Chi nhánh hoặc Đối tác. Về cơ bản thì sau khi được Amazon mua lại thì Twitch Prime là một trải nghiệm “cao cấp” của dịch vụ stream game Twitch, được tặng kèm khi người dùng đăng ký sử dụng gói dịch vụ Amazon Prime hoặc Prime Video. Chính vì thế, nó sẽ không được tính phí độc lập mà sẽ được tính phí theo 2 dịch vụ là Amazon Prime và Prime Video (tùy theo từng dịch vụ ở từng quốc gia mà chi phí có thể dao động khác nhau). Đây chính là nơi mà các Streamer kiếm tiền, người dùng sẽ thanh toán khoản phí đó qua PayPal, Amazon Pay hoặc thẻ tín dụng.
- Facebook Gaming cung cấp cho các Streamer cách kiếm tiền thông qua chương trình đăng ký kênh (subscription program). Chi phí đăng ký kênh là 4,99$/tháng. Khi đăng ký, người dùng sẽ nhận được Huy hiệu fan cứng, nội dung độc quyền, bộ sticker tùy chỉnh và nhóm supporters hỗ trợ. Nhìn chung, khá tương đồng so với chương trình của Youtube.
- Mixer có chương trình kiếm tiền từ Đối tác thông qua các đăng ký (Partner Payments program with subscriptions) Người dùng tham gia đăng ký có thể trả tiền cho Streamer qua thẻ hoặc PayPal.
Trên thực tế, các chương trình này của các nền tảng cũng có thể được hiểu là các chương trình khách hàng thân thiết nói chung. Bạn bỏ ra càng nhiều tiền thì càng nhận lại được nhiều giá trị hơn. Streamer càng đầu tư hơn cho các nội dung độc quyền này thì sẽ càng thu hút thêm nhiều người xem trung thành, và họ cũng ủng hộ bạn nhiều hơn. Ngoài ra, hãy nhớ gửi lời cảm ơn đến những người đã đăng ký và thậm chí có thể đề cập đến họ vào ngày kỷ niệm của cả hai.
3. Kiếm tiền qua việc hợp tác với bên thứ ba
Đây là phương pháp kiếm tiền dành cho các Streamer không thích tham gia trực tiếp vào các chương trình mà nền tảng đó cung cấp. Có thể là do họ không cảm thấy hứng thú, hoặc không chắc chắn rằng trong tương lai kênh của mình vẫn giữ vững được vị thế như vậy. Dù thế nào đi chăng nữa, các Streamer ấy cũng thích hoạt động riêng biệt, dễ dàng di chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác hoặc hoạt động trên nhiều nền tảng cùng lúc.
Và thế là các bên thứ 3 ra đời, giúp các Streamer quản lý các dịch vụ donate và chương trình đăng ký từ mọi nền tảng khác nhau. Dưới đây là một số bên phổ biến được các Streamer thế giới yêu thích:
- Streamlabs – một ứng dụng tích hợp Widgets vào các công cụ phát sóng trực tuyến, rất tuyệt vời dành cho các Streamer – thích hợp với các chương trình donate. Streamlabs tích hợp dễ dàng với Twitch, YouTube, Mixer, Facebook Gaming, Periscope và Picarto, và nó cung cấp sáu tùy chọn thanh toán khác nhau.
- Patreon – một hình thức crowdfunding cho phép các Streamer có thể nhận được doanh thu từ sự sáng tạo của họ thông qua cộng đồng fans hâm mộ. Patreon chủ yếu hỗ trợ trên nền tảng Youtube và hỗ trợ kiếm tiền thông qua donate/đăng ký kênh. Với việc nhận được một khoản tài trợ định kỳ hàng tháng, Patreon sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất khi chương trình bật đăng ký kênh kiếm tiền trên Youtube ngày càng phổ biến.
- GoFundMe hoặc Kickstarter – hỗ trợ kiếm tiền từ việc kêu gọi tài trợ cho một dự án. Nếu các Streamer đang có một dự án muốn hoàn thành và đang tìm kiếm nguồn tài trợ, hãy tạo trang trên các websites này và stream để quảng bá dự án của bạn.
4. Doanh thu từ quảng cáo
Tại sao nhiều Streamer không kiếm tiền từ quảng cáo để hỗ trợ cho hoạt động stream của mình được? Trên thực tế, tiền quảng cáo đã được trích ra một phần để trả cho các dịch vụ từ Google và Facebook. Tuy nhiên, các Streamer vẫn có thể kiếm tiền từ quảng cáo nếu bạn tham gia đúng nền tảng hoặc mạng xã hội cho phép quảng cáo (ví dụ như DLive và Mixer thì không hỗ trợ chẳng hạn).
- YouTube cho phép quảng cáo đầu video và giữa video, cũng như quảng cáo hiển thị hình ảnh và quảng cáo lớp phủ (overlay ads).
- Facebook Live cho phép quảng cáo giữa video nếu Streamer đáp ứng tiêu chí số lượng người xem.
- Twitch cho phép quảng cáo in-stream, cũng như các cơ hội quảng cáo hiển thị và native ads.
Quảng cáo trong streaming là một chủ đề nóng và thường xuyên gây ra nhiều tranh cãi. Chính vì thế, các Streamer phải kiểm soát nhiều nhất có thể với các quảng cáo xuất hiện trong lúc streaming hoặc quảng cáo trên kênh. Ở phía ngược lại, người xem hoàn toàn có thể sử dụng phần mềm chặn quảng cáo để ngăn một số quảng cáo hiển thị. Nói chung, quảng cáo không phải là ý tưởng kiếm tiền đáng được hoan nghênh nhất của Streamer.
5. Nhận tài trợ hoặc giao dịch với các thương hiệu
Ít gây tranh cãi hơn các quảng cáo thông thường, nhận tài trợ hoặc giao dịch với các thương hiệu là một cách khác để bạn có thể kiếm tiền theo một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Với các Streamer sở hữu một lượng lớn người theo dõi trên các nền tảng phát trực tuyến và có một tên tuổi nhất định, các thương hiệu sẽ sớm liên hệ và đề nghị hợp tác, thay vì chủ động tiếp cận.
So với các cách kiếm tiền trên thì cách này sẽ diễn ra nghiêm túc và đòi hỏi sự đầu tư tỉ mỉ hơn rất nhiều do giá trị hợp đồng mà các nhãn hàng này đem lại cũng không hề nhỏ một chút nào.
Một số cách Streamer kiếm tiền như sau:
- Nhận tài trợ: Khi đó, toàn bộ stream của bạn sẽ được tài trợ bởi một thương hiệu.
- Hiển thị banner quảng cáo hoặc các loại quảng cáo khác trong stream hoặc trên hồ sơ channel của các nền tảng khác nhau.
- Sponsored content (Nội dung được tài trợ): chẳng hạn như khi nhà phát triển game trả tiền cho các Streamer để chơi trò chơi của họ.
Trên thực tế, mục đích cuối cùng của các thương hiệu là khán giả của các Streamer chứ không phải Streamer. Nên các Streamer phải hiểu rõ được khán giả của mình là ai, sở thích của họ là gì và vấn đề nào họ đang gặp phải để nhận tài trợ của các nhãn hàng phù hợp. Chỉ cần không cẩn thận chút thôi là các Streamer có thể gây mích lòng người hâm mộ và mất đi một lượng lớn fans. Khi ấy, hợp đồng với các nhãn hàng cũng có nguy cơ bị hủy bỏ.
6. Bán hàng qua liên kết
Cách kiếm tiền này có thể hiểu đơn giản là các Streamer quảng cáo cho các bên bán hàng trực tuyến nào đó. Ví dụ như Shopee chẳng hạn, các Streamer hoàn toàn có thể không cần phải đăng link bán hàng đó, mà có thể hợp tác dưới hình thức mã code hoặc phiếu giảm giá, mà người xem có thể dùng khi mua hàng tại Shopee.
Điều quan trọng là cách bạn đưa liên kết mua hàng hoặc mã code giảm giá ấy vào video stream của mình như thế nào. Nên nhớ là trừ khi có thỏa thuận với các chương trình đối tác, nếu không các nền tảng (như Youtube, Facebook,…) sẽ không nhận được một xu lợi nhuận nào từ hoạt động quảng cáo này. Chính vì thế, đừng có đặt vấn đề bán hàng lên trên nội dung chính trong các video stream, nó có thể gây phản tác dụng đấy!
7. Tạo và xây dựng kênh bán hàng riêng
Có một sự thật là khi tên tuổi và thương hiệu Streamer đó đã lên thì hàng hóa đi kèm thương hiệu đó cũng “lên như diều gặp gió”.
Hàng hóa được coi là nguồn doanh thu quan trọng đối với không ít Streamer trên thế giới. Các nền tảng trực tuyến cũng đã nhận ra điều này và cũng hỗ trợ các Streamer hết mình trong việc đưa ra nhiều lời khuyên và cung cấp cho họ một số công cụ thực sự tuyệt vời để giúp tăng doanh số bán hàng.
Các sản phẩm có thể bán như áo phông, cốc và thậm chí cả các món đồ chơi sang trọng đều là một lựa chọn tốt. Bạn cũng có thể bán các sản phẩm số như nhạc hoặc sách điện tử.
Streamer sẽ tự lên thiết kế, sản xuất, vấn đề kho và vận chuyển. Có một số cách mà các bạn có thể áp dụng như:
- Tạo cửa hàng trực tuyến cho riêng sản phẩm đó: Các khâu từ sản xuất, lưu trữ, thiết kế, in ấn, vận chuyển,… tất cả đều phải do bạn tự làm.
- Chịu trách nhiệm về thiết kế nhưng hãy để một trong những công ty được nền tảng chấp thuận đảm nhận phần còn lại.
- Hợp tác với các cửa hàng trên nền tảng có thể hỗ trợ bạn tối đa hóa khả năng bán hàng trên kênh, chẳng hạn như Youtube Shop trên YouTube.
8. Phát triển các nội dung trả tiền
Việc phát triển nội dung trực tiếp và bán vé cho nó ngày càng trở nên thú vị hơn. Sự phổ biến của streaming đang gia tăng và ngay cả các nền tảng truyền thống trước đây còn ngại chấp nhận các nội dung này cũng đang sử dụng tính năng streaming nhiều hơn. Theo đó, cơ hội mới cho sản xuất nội dung đang mở ra.
Trước tiên, các Streamer phải có khả năng tạo ra những nội dung hấp dẫn để người dùng sẵn sàng trả tiền để xem nó. Độc đáo, khác biệt, độc quyền, tóm lại là ít nhất nó sẽ phải đặc biệt hơn so với các nội dung miễn phí khác. Các Streamer sẽ phải tìm một nền tảng bán vé cho các sự kiện streaming như thế này hoặc một dịch vụ như StreamTick hỗ trợ bạn làm điều đó trên YouTube, Facebook hoặc Twitter.
Nghề Streamer cần những gì?
Đọc xong phần trên và hiểu được nghề streamer là gì, có lẽ nhiều bạn sẽ thấy, có vẻ như nghề Streamer kiếm tiền… khá dễ. Nhưng thực ra, chẳng nghề nào là dễ kiếm tiền cả, và Streamer cũng thế. Muốn trở thành một Streamer tài năng còn đòi hỏi các Gamer phải trau dồi thêm rất nhiều các kỹ năng, không chỉ là kỹ năng chuyên môn, mà cả những kỹ năng mềm, và cả sự yêu nghề, kiên nhẫn nữa.
Dưới đây là một số yêu cầu nhỏ mà các bạn cần đảm bảo nếu muốn trở thành một Streamer tương lai:
Đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, nhất quán
Có lẽ một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất đối với một Streamer đó là bạn phải cam kết và duy trì được một lịch stream đều đặn, để người xem có thể biết chính xác thời gian để họ có thể xem stream của bạn.
Thông thường, stream game thường rơi vào khoảng thời gian khá muộn (từ 10-11h đêm đến 2-3h sáng). Thời gian stream có phần “khắc nghiệt” thế này là rào cản lớn của không ít các Streamer trẻ, đặc biệt là các Streamer nữ khi phải thay đổi lịch làm việc, sinh hoạt rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe Streamer. Vì vậy, bạn cần phải tạo thói quen này trước khi muốn trở thành một Streamer chuyên nghiệp.
Khả năng xử lý thiết bị thành thạo
Chắc chắn rồi. Streamer gần như làm việc với rất nhiều máy móc thiết bị trong toàn bộ thời gian stream. Vì thế, bạn cần đảm bảo rằng mình biết cách xử lý PC cũng như tất cả các phần cứng và phần mềm khác khi streaming.
Kỹ năng giao tiếp xã hội
Những Streamer thành công không sử dụng các nền tảng như một dịch vụ phát trực tuyến mà coi đó như là một kênh giao tiếp, trò chuyện với người hâm mộ của mình. Bạn phải tự tin, sẵn sàng tham gia vào cộng đồng, nói chuyện với các Streamer khác, cố gắng giao lưu để thu hút người xem stream của bạn. Đây là lúc bạn thể hiện khả năng ăn nói cũng như sự hài hước, duyên dáng của mình đấy!
Nội dung đa dạng sáng tạo
Nếu bạn muốn kiếm sống bằng nghề Streamer trong tương lai thì riêng lượt view không thôi sẽ là không đủ. Như đã nói ở trên, Streamer có thể kiếm tiền bằng việc nhận quảng cáo, hợp tác tài trợ với các nhãn hàng. Mà muốn như vậy, nội dung của bạn phải sáng tạo cái đã!
Luôn cập nhật và trau dồi các kiến thức
Không phải cứ chơi game cùng người hâm mộ hàng ngày thôi là xong. Bạn cũng phải thường xuyên cập nhật xem những trò chơi mới sắp ra mắt, thời gian nào nên chơi chúng và những thiết bị cần thiết để chơi. Streamer chất lượng giống như một người biết cách khai phá những trò chơi mới và tìm ra được bài học giúp người xem có thể “chiến thắng” trò chơi đó. Khi ấy, người xem sẽ quan tâm đến stream của bạn hơn để có được kiến thức về trò chơi đó.
Top 5 Streamer nổi tiếng tại Việt Nam
Thị trường Streamer đang ngày càng trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Những cái tên như PewPew, Viruss, Độ Mixi hay Xemexis có lẽ đã trở nên quá quen thuộc với cộng đồng mạng những năm gần đây. Ngoài Bộ Tứ Streamer trên ra, những cái tên bên nữ cũng gây ấn tượng mạnh không kém như Misthy, Ngân Sát thủ, Linh Ngọc Đàm,…
1. PewPew
Nếu nói về giới Streamer Việt Nam thì không thể không nhắc đến Hoàng Văn Khoa – Streamer có nghệ danh PewPew gây bão cộng đồng mạng Việt Nam trong suốt những năm qua. PewPew được biết đến như là người mang trào lưu Streaming về Việt Nam và có đóng góp lớn cho sự phát triển của Streaming Việt Nam ngày nay.
Hoàng Văn Khoa sinh ngày 23/6/1991 tại Hải Phòng, đi du học Úc từ năm lớp 9 và trở về Việt Nam vào năm 2012 với mục tiêu phổ biến tựa game Dota 2 tại Việt Nam. Đó như là bước khởi đầu cho sự nghiệp Streamer của PewPew tại Việt Nam, tại thời điểm đó, anh mong muốn có ít nhất 1 triệu người tham gia với anh.
Những năm đầu, các video của PewPew có lượt xem rất ít nhưng không nản chí, anh quyết định đầu tư nhiều và nghiêm túc hơn để mở luôn Studio tại gia, ra video mới thường xuyên và dần dần có chỗ đứng trong cộng đồng Gaming Việt Nam. Những ai chơi Dota 2 thời đó có lẽ không ai là không biết đến PewPew. Sự thành công của anh ngày nay đã chứng minh những nỗ lực mà anh đã bỏ ra trong suốt 8 năm qua. Ngày 31/3/2019, PewPew quyết định dừng lại sự nghiệp Stream để tập trung vào công việc kinh doanh.
2. Viruss
Viruss tên thật là Đặng Tiến Hoàng, sinh năm 1990, cùng với PewPew là 2 Streamer đời đầu của Việt Nam. Với kinh nghiệm sẵn có, Viruss dần nổi lên với kỹ năng cùng khả năng phán đoán và xử lý tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Viruss cũng là người đầu tiên thử stream game trên hệ thống Azubu Stream.
Sự nghiệp Stream của Viruss đạt được những thành tích nổi bật như Top 3 Streamer có lượng đăng ký kênh hàng đầu trên Youtube, Ngôi sao được quyên góp hàng đầu, Top 1 PUBG và được đánh giá là một trong những Streamer đình đám nhất châu Á (do tờ New York Times vinh danh).
Ngoài ra, ViruSs cũng là một game thủ có tiếng khi từng là đội trưởng của đội Hanoi Dragons – một đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại có tiếng ở Việt Nam. Năm 2018, ViruSs và PewPew xuất hiện trong danh sách đề cử WeChoice Awards hạng mục Hot Influencer. Cùng lúc đó, anh được Facebook Gaming bổ nhiệm làm Đại sứ tại Việt Nam.
3. Độ Mixi – Mixi Gaming
Những ngày gần đây, có lẽ Streamer Độ Mixi gắn với thương hiệu Mixigaming là mộ trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất không chỉ trong giới Streamer nói riêng mà cộng đồng mạng nói chung.
Độ Mixi tên thật là Phùng Thanh Độ sinh năm 1989, người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng. Độ Mixi là cái tên mới nổi 3-4 năm trở lại đây nhưng sự thành công của anh ở thời điểm hiện tại là điều mà bao Streamer trẻ ao ước. Bước ngoặt xảy ra khi anh được PewPew giới thiệu trong cộng đồng game PUBG Việt Nam, trở thành bệ phóng giúp anh “lên như diều gặp gió” vào khoảng những năm 2017-2018.
Sự thành công của anh gắn liền với tựa game đấu trường sinh tồn PUBG. Anh cũng là người thành lập nên Refund Gaming, cái tên từng đem lại cảm xúc vỡ òa cho cộng đồng PUBG Việt ở giải đấu PGI 2018. Độ Mixi được người trong giới lẫn cộng đồng mạng yêu thích vì sự chân thật, thẳng thắn, vui tính. Anh cũng là Streamer duy nhất trong Tứ hoàng Streamer Việt Nam theo đuổi duy nhất nghề Streamer này.
4. Xemesis
Xemesis là cái tên cuối cùng trong Bộ Tứ Streamer quyền lực tại Việt Nam. Nếu như Độ Mixi nổi lên nhờ PewPew giới thiệu thì Xemesis cũng được biết đến nhờ công phần nào từ Độ Mixi. Xemesis tên thật là Hiếu Nghiêm, sinh ra tại Anh và trở về Việt Nam làm việc mới chỉ một vài năm.
Dù không lọt top hay tham gia bất kỳ cuộc thi nào nhưng Xemesis vẫn được các game thủ trong giới đánh giá cao khả năng chơi các tựa game như Liên Minh Huyền Thoại, PUBG,… Anh đã từng lọt top 23 trên tổng số 28023 Streamer thuộc bảng xếp hạng những Streamer nổi tiếng nhất thế giới.
5. Misthy
Misthy có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất trong giới Streamer nữ tại Việt Nam. Mặc dù là Streamer nữ nhưng Misthy vẫn rất chăm chỉ stream, đầu tư nghiêm túc vào công việc nên sự thành công hiện tại của cô là điều khá dễ hiểu.
Misthy sinh năm 1995, quê ở Lâm Đồng và phát triển sự nghiệp tại TP.HCM. Sự nghiệp Streamer của cô gắn liền với các tựa game Liên Minh Huyền Thoại LOL, PUBG,… Ngoài ra, cô còn làm Youtuber, MC,… Hiện tại, kênh Youtube của Misthy đã có tới 5,53 triệu người đăng ký – một con số “khủng” mà cả các Streamer nam cũng phải ao ước. Misthy được yêu thích bởi sự xinh xắn, dễ thương và chăm chỉ, nghiêm túc với nghiệp Streamer.
Trong mỗi buổi live, bạn sẽ có thể quan sát được bao nhiêu người đang xem mình. Sẽ có những bình luận để lại trong live mà bạn có thể tương lai với viewer. Đây là nền tảng livestream nổi tiếng được nhiều người sử dụng.
Các nền tảng Stream tốt nhất hiện nay
Dưới đây là những nền tẳng livestream hàng đầu Việt Nam mà Marketing Ai muốn giới thiệu đến bạn:
Facebook Live
Nền tảng live stream được rất nhiều người sử dụng đó chính là Facebook live. Ưu điểm lớn nhất là khi live streaming trên Facebook bạn có thể nhanh chóng tiếp cận hàng nghìn tài khoản của bạn bè, người thân cũng như những người đang theo dõi bạn. Chủ yếu những streamer sẽ livestream về game, thể thao, hát hò, makeup, ăn uống,… Facebook live đã ra mắt từ năm 2015. Sau khi cải tiến thì hiện nay Facebook live video đã nâng cao được chất lượng. Nó khiến người dùng cảm thấy khá hài lòng khi sử dụng phần mềm này. Trước khi live bạn có thể chỉnh màu ánh sáng; thêm hiệu ứng. Thêm đó có thể viết 1 đoạn mô tả ngắn gọn để người xem biết được nội dung buổi livestream là gì
Trong mỗi buổi live, bạn sẽ có thể quan sát được bao nhiêu người đang xem mình. Sẽ có những bình luận để lại trong live mà bạn có thể tương lai với viewer. Đây là nền tảng livestream nổi tiếng được nhiều người sử dụng.
Một số tính năng nổi bật của nền tảng livestream Facebook
- Có thể chỉnh sáng, chọn biểu tượng cảm xúc, mô tả thông điệp trước khi bước vào buổi live
- Thời lượng live được phép kéo dài
- Tuỳ chỉnh camera trước và sau trong quá trình livestream
- Có thể gửi thông báo đến bạn bè và người theo dõi trước khi có ý định phát live
- Hỗ trợ tương tác và ghim bình luận đáng chú ý của người xem
Instagram Live
Là một mạng xã hội được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Ứng dụng này cũng phát triển trên nhiều hệ điều hành khác nhau. Với hình thức phát lại những video ngắn hay còn gọi là video you might live. Đây là tập hợp live video, stories,.. Người dùng có thể tuỳ chọn dạng live mà bạn mong muố để đăng tải video lên tài khoản instagram.
Twitch
Là một nền tảng livestream về game. Nhưng ở Việt Nam các streamer lại không hề mặn mà với nền tảng này. Hầu hết các giải lớn trên thế giới đều được trực tiếp trên Twitch. Được thành lập năm 2007 và đến 2014 Twitch đã được mua lại bởi ông lớn Amazon.
Một lưu ý nhỏ nếu bạn muốn phát triển trên nền tảng này đó là, Twitch phiên bản Moblie sẽ hơi giật lag hơn so với bản PC. Chính vì thế hãy cân nhắc lựa chọn thiết bị live để có giao diện tốt nhất. Điểm mạnh của nền tảng này chính là nền tảng có đến 1,5 triệu game stream, 100 triệu người xem hàng tháng. Những con số trên đã giúp Twitch luôn nằm trong top những nền tảng chất lượng nhất hiện nay.
YouTube
Nimo TV
Được ra đời vào 2012 tại Trung Quốc. Vào 2018, công ty này được nhận một nguồn vốn lớn từ Tencent và phát triển mạnh mẽ cho đến nay. Một số streamer nổi tiếng đang hoạt động trên nền tảng này có thể kể đến như: Độ Mixi, Xemexis, Hìu Béo, Rambo, Nhism,…
NimoTV là nền tảng livestream phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều người dùng. Nó đang là xu hướng trở thành mạng xã hội cũng như trào lưu trên toàn thế giới. Với giao diện đơn giản dễ dùng. Nguồn dữ liệu cá nhân của người dùng cũng được mã hoá để được bảo vệ một cách an toàn.
Thêm vào đó đối với Nimo TV bạn hoàn toàn có thể tạo kêng riêng cho mình rồi stream để kiếm tiền. Nếu bạn có thể phát triển mạnh hơn, thu hút được cộng đồng trên Nimo TV thì số tiền bạn kiếm được trên nền tảng này không hề nhỏ.
Kết
Như vậy trên đây là những chia sẻ giúp bạn hiểu hơn về nghề streamer là gì? cũng như những vấn đề liên quan đến nghề streamer. Có lẽ không quá khó để nhìn thấy một tương lai tươi sáng của nghề Streamer trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi nào mà ngành game, thể thao điện tử vẫn là một ngành công nghiệp tỷ đô với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão, các hình thức giải trí thông qua internet dần thay thế hình thức giải trí truyền thống thì Streamer vẫn sẽ là nghề “hái ra tiền”. Nhưng cũng nhưng mọi ngành nghề khác, Streamer không dành cho tất cả mọi người và cũng không dễ làm như bao người tưởng tượng. Nếu đam mê và yêu thích, bạn vẫn cần phải chuẩn bị cho mình kỹ năng, kiến thức và cả sự kiên trì để biến giấc mơ thành hiện thực!
Tô Linh – MarketingAI
Tổng hợp