3 lưu ý cho nhà đầu tư mới tham gia chứng khoán phái sinh
https://vnexpress.net/3-luu-y-cho-nha-dau-tu-moi-tham-gia-chung-khoan-phai-sinh-4625123.html
Tìm hiểu kiến thức, quản lý cảm xúc, và áp dụng quy luật 2%-6%… là một số lưu ý khi nhà đầu tư bắt đầu tham gia thị trường phái sinh.
Theo Luật chứng khoán Việt Nam 2019, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
Hiểu đơn giản, chứng khoán phát sinh là hợp đồng tài chính, được hình thành trên tài sản cơ sở là chứng khoán, có quy định cụ thể tại ngày đáo hạn, nhà đầu tư cần thực hiện các nghĩa vụ đã được quy định trong hợp đồng.
Ra đời tại Việt Nam vào năm 2017, thị trường chứng khoán phái sinh đang cung cấp hai dòng sản phẩm cơ bản gồm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Trong đó, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 phổ biến hơn. Hợp đồng này là sự “đánh cược” của nhà đầu tư vào sự tăng giảm của nhóm cổ phiếu bluechip trong tương lai.
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính giúp đa dạng hóa dòng tiền và phân tán rủi ro. Khi nhà đầu tư dự báo thị trường chứng khoán cơ sở tăng, nhà đầu tư có thể mở hợp đồng tương lai với vị thế mua (long position). Còn khi thị trường giảm, vị thế bán (short position) giúp nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời từ chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán phái sinh là kênh đầu tư tiềm năng, nhưng sẽ thiếu an toàn với những nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức bởi đây là công cụ tài chính có tỷ lệ đòn bẩy cao và biến động mạnh. Để “nhập môn” chứng khoán phái sinh, dưới đây là một số lưu ý nhà đầu tư cần nắm để giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch.
Tìm hiểu ‘luật’ chơi của thị trường phái sinh
Nhà đầu tư cần tìm hiểu điểm khác biệt của chứng khoán phái sinh so với chứng khoán cơ sở để có những cách ứng xử với thị trường phù hợp.
– Ký quỹ: Một trong những điểm khác biệt giữa giao dịch cổ phiếu với chứng khoán phái sinh là cần phải ký quỹ để giao dịch. Đối với giao dịch hợp đồng tương lai, kỹ quỹ được hiểu là phần đặt cọc nhằm đảm bảo khả năng thanh toán. Đây là khoản tiền tối thiểu, cần phải có để giao dịch có thể được thực hiện.
Trong đó, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền phải bằng ít nhất 80% giá trị tài sản ký quỹ theo như quy định. Có nhiều loại ký quỹ, nhưng quan trọng nhất là ký quỹ ban đầu (Initial Margin – IM).
Hiện nay tại các công ty chứng khoán, tùy theo chính sách quản trị rủi ro của từng công ty, tỷ lệ an toàn của tài khoản có thể giao động từ 80 – 92%. Như vậy, để tham gia giao dịch, nhà đầu tư cần ký quỹ 20% – 18,48%. Trong trường hợp thua lỗ, số dư ký quỹ giảm dưới ngưỡng ký quỹ duy trì, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư nạp thêm tiền vào tài khoản nếu không sẽ bị đóng bớt các vị thế.
Do đó, việc lựa chọn một nền tảng giao dịch với tỷ lệ cọc phù hợp là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư tối ưu lợi nhuận. Hiện, nền tảng Entrade X của DNSE đang áp dụng tỷ lệ cọc 18,48% với sản phẩm chứng khoán phái sinh Future X. Ví dụ, nhà đầu tư tham gia hợp đồng tương lai với quy mô hợp đồng 1.000 điểm x 100.000 đồng = 100 triệu đồng. Với mức ký quỹ ban đầu thấp nhất là 18,48%, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra 18,48 triệu đồng để mua được một hợp đồng.
Ngoài ra, trên nền tảng này, nhà đầu tư có thể giao dịch chứng khoán cơ sở song song với chứng khoán phái sinh trên cùng một tiểu khoản.
Tận dụng nền tảng công nghệ từ DNSE, Future X còn ứng dụng hệ thống quản trị rủi ro theo từng lệnh riêng lẻ (từng Deal). Nhà đầu tư có thể theo dõi tỷ lệ cọc theo giá thực tế và nắm bắt lãi, lỗ chính xác theo thời gian thực đã trừ cụ thể thuế, phí. Việc hệ thống tự động cảnh báo lãi lỗ, tỷ lệ cọc theo thời gian thực khiến cho việc quản trị rủi ro kịp thời và hiệu quả hơn.
– Bán khống: Điểm khác biệt lớn nhất giữa đầu tư phái sinh và cổ phiếu là phái sinh cho phép bán khống. Khi đó, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán, dù không sở hữu cổ phiếu cơ sở, miễn có đủ tiền ký quỹ. Khi bán khống, nhà đầu tư dự đoán giá chứng khoán giảm, sau đó mua lại với giá thấp hơn trong tương lai nhằm thu lợi.
Ví dụ, khi muốn bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30 một tháng, nhà đầu tư có thể đặt lệnh short mã chứng khoán VN30F1M. Theo đó, khi chỉ số VN30 giảm, nhà đầu tư vẫn có thể thu lại lợi nhuận.
Đây có thể xem là một cách “cân bằng” tài sản, trong trường hợp thị trường chứng khoán đi xuống. Ở chiều ngược lại, hình thức bán khống cũng có thể khiến nhà đầu tư tổn thất nặng. Do đó, giao dịch bán khống không dành cho các cá nhân ít kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Quản lý cảm xúc đầu tư
Tâm lý FOMO trong đầu tư dễ khiến người giao dịch đưa ra các quyết định sai lầm. Đặc biệt, với thị trường biến động không ngừng như chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư mới dễ bị cuốn vào làn sóng thị trường.
Muốn quản lý tốt cảm xúc, nhà đầu tư nên trang bị kiến thức, kỹ năng phân tích thị trường, đánh giá biểu đồ, các chỉ báo… từ đó, để hình thành cái nhìn tổng quát về thị trường và không bị “lung lay” trước những thông tin nhiễu loạn.
Quy luật 2%-6%
Đây là quy luật được nhiều nhà đầu tư áp dụng khi đầu tư chứng khoán phái sinh. Để áp dụng quy luật này, nhà đầu tư cần xác định ngưỡng hỗ trợ, kháng cự fibonacci. Ngoài ra, số tiền lỗ được xác định không vượt quá 2% tổng số tiền đầu tư chia cho mỗi vị thế. Số tiền chấp nhận mất tối đa 6%.
Nếu ba lần vào lệnh liên tiếp bị lỗ, nhà đầu tư cần dừng lại để kiểm tra lại hệ thống và bình tĩnh kiểm soát tâm lý giao dịch.
Với chứng khoán phái sinh, tỷ lệ đòn bẩy khá cao nên tỷ lệ lãi lỗ cũng cao hơn mức bình thường trên thị trường cơ sở, đồng thời những biến động trên thị trường luôn khó đoán. Do đó, khi tham gia chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư mới cần trang bị nền tảng kiến thức để có thể sử dụng công cụ tài chính này phòng ngừa rủi ro cho danh mục một cách hiệu quả.